Đại lộ cà phê "Charner" và phố bánh mì giữa Sài Gòn xưa _TYSG

   

Có thể nói đại lộ Charner (hiện là Nguyễn Huệ) đã hình thành đại lộ cà phê không chỉ đầu tiên của Sài Gòn mà còn cả nước từ những ngày đầu tiên của ngôi chợ Bến Thành cũ bên bờ kinh chợ Vải.  

Khách sạn – nhà hàng Coq d’Or (Gà trống vàng) ở ngã tư Charner – d’Ormay (này là Mạc Thị Bưởi) bày cả bàn ghế ra ngoài vỉa hè cho khách uống cà phê (vị trí này hiện nay là khách sạn Palace) – Ảnh tư liệu

 

Hàng loạt hàng ăn quán nước đã hoạt động tấp nập từ rạng sáng đến 21g.Thậm chí đêm xuống vẫn còn một số sòng bạc sau chợ hoạt động suốt đêm.

Kinh chợ Vải sau đổi thành kinh Charner, rồi đại lộ Charner (dân gọi là đường Kinh Lấp), hiện là đường Nguyễn Huệ.

Những quán cà phê đầu tiên trên đất Sài Gòn có lẽ nằm trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), con đường đầu tiên người Pháp tập trung chỉnh trang, xây dựng ngay sau khi chiếm Sài Gòn. Niên giám Đông Dương đầu thế kỷ 20 ghi nhận ít nhất là ba quán.

Catinat là đường nhỏ, cửa hàng và mặt hàng tập trung vô vải vóc, công ty, tiệm chụp ảnh, tòa soạn báo… hạng sang nên chủ yếu thu hút giới thượng lưu thời ấy tìm đến mà Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của tác giả Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 đã mô tả: Nhứt là đường Ca-ti-na – Hai bên lầu các, phố nhà phân minh (…) – Máy may mấy chỗ quá nhiều – Các tiệm tủ ghế dập dều (dìu) phô trương – Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương (đan) – Đồ thêu, đồ chạm trữ (trổ?) thường thiếu chi (…) – Nhà in, nhà thuộc, nhà chà – Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son…

Phạm Quỳnh trong Một tháng ở Nam kỳ (1918) kể về đường Catinat sang trọng “bực nhứt” Sài Gòn ấy: Các cửa hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát tây, nên chiều chiều cứ tự năm giờ trở đi kẻ đi người lại như nước chẩy. Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo qua đường Catinat một lượt mới là nền.

Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu”. 

Quan trọng hơn, tác giả đã nhận ra mối quan hệ phát triển tất yếu của đại lộ Charner khi phải mở rộng thị phần đang phát triển mạnh lúc đó cho đa số người Sài Gòn chứ không chỉ dành cho một bộ phận nhỏ giới thượng lưu: (Catinat) Đông đúc phồn thịnh đến nỗi đã phải mở một con đường chạy dọc theo, to lớn rộng rãi hơn nhiều, gọi là đường Charner (…). 

Đại lộ cà phê đầu tiên trên đất Sài Gòn

Những cây cà phê đầu tiên ở Việt Nam được trồng ở miền Bắc (năm 1888) nhưng những ly cà phê đầu tiên lại được rót bán ở Sài Gòn – mảnh đất dễ dàng dung nạp mọi nền văn hóa ẩm thực. Theo nhà văn Sơn Nam, năm năm sau khi Pháp đánh chiếm, người Pháp đã khai trương hai quán cà phê đầu tiên trên đất Sài Gòn: Café de Lyonnais trên đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng) và Café de Paris trên đường Catinat.

 

Từ đường vua đi (ngự đạo), bến vua ngự (Bến Ngự – đầu đường Đồng Khởi hiện nay), Catinat đã trở thành con đường ưu đãi nhất của người Pháp khi xây dựng Sài Gòn kiểu Pháp, trong đó có những quán cà phê.

Tuy nhiên, con đường sang trọng nhưng chật hẹp và chỉ dành cho giới thượng lưu ấy rõ ràng khó mở rộng thị phần nên hơn 40 năm sau quán cà phê đầu tiên, những năm đầu thế kỷ 20, Niên giám Nam kỳ chỉ ghi nhận 2, 3 quán cà phê đầu và cuối đường Catinat.

Trong khi đó, khi ngôi chợ Bến Thành lớn nhất Sài Gòn nằm chễm chệ một bờ kinh Charner năm 1860, sau đó lấp thành đại lộ Charner rộng thênh thang năm 1887 đã thành nơi đến hằng ngày của người Sài Gòn bình thường.

Đến đây ai cũng có thể đi chợ (Bến Thành cũ) sáng, ghé vô số quán uống ly cà phê, ăn bánh mì, hủ tíu, hút thuốc, đọc báo… dọc hai bên đại lộ và tập trung ở khu tứ giác chợ (hiện nay là) Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Hải Triều và tất nhiên ngay trong chợ.

 

Khi chợ ít nhiều ô nhiễm (nhiều cư dân quanh chợ than phiền, khiếu nại lên Hội đồng TP Sài Gòn lúc ấy) giải tỏa năm 1910. Các quán cà phê, tiệm – lò bánh mì, cửa hàng ăn uống trên khu vực này hoạt động xem ra tấp nập hơn khi hai con đường hai bên kinh nhập thành đại lộ…

Dòng chữ trên bưu ảnh: Sài Gòn – Quán ăn An Nam – Ảnh: L.Crespin

Niên giám Nam kỳ trước và sau khi giải tỏa chợ ghi nhận trên đại lộ Charner (thống kê chưa đầy đủ) hàng loạt quán cà phê.

Ngay bờ sông Sài Gòn, cửa ngõ vô đại lộ là Café de Marseille của ông Freund. Khách đông, sau này ông mở thêm quán nữa tên Cafe du Marché (Cà phê Chợ) bên hông chợ Bến Thành.

Ăn theo chợ không chỉ một quán. Từ đầu bờ sông vô, bên tay trái, qua tòa nhà Wang-Tai (Vương Thái – nay là trụ sở Hải quan TP.HCM), chỉ cách hai căn số 9 và 11 tới chợ là Café Méridional hoành tráng của bà Lachal với ba số nhà liền nhau 3-5-7.

Một góc chợ Bến Thành cũ (nay là Kho bạc TP.HCM) nhìn ra quai (bến, cảng) de Commerce (bến Bạch Đằng). Cạnh chợ là dãy quán Café Méridional. Cạnh dãy cà phê Méridional là tòa nhà Wang-Tai (nay là trụ sở Hải quan TP.HCM) – Ảnh tư liệu

Tòa Hòa giải (Justice de Paix – hiện nay là vị trí tòa nhà Sun Wah trên đường Nguyễn Huệ). Xung quanh khu vực tòa nhà này rất nhiều quán cà phê, trong đó có cả quán mang tên cà phê Hòa Giải (Café de la Paix) – Ảnh tư liệu

Cà phê rõ ràng đã đáp ứng nhu cầu khách tứ xứ lẫn khách đi chợ lúc ấy nên gần chợ Bến Thành cũ, mặt tiền Charner cũng có một quán khác cùng tên Café du Marché ở số 33 nhưng chủ là một người khác, bà Truhaut.

Rồi hàng loạt quán cà phê nối tiếp nhau đoạn gần ngã tư Charner –  d’Ormay (nay là đường Mạc Thị Bưởi): Café de Provence của bà Genon, Café de la Paix của bà Soudan (quán cà phê Paix gầ như đối diện với tòa nhà Justice de Paix, Tòa Hòa giải, chắc dành cho người có việc phải đến tòa án; nay là tòa nhà Sun Wah), Café de l’Orient của bà Tisseyre. Xa xa một chút, gần đại lộ Bonard là Café Américain của bà Nault…

“Phố bánh mì” tấn công đất hủ tiếu và xôi

Người Pháp đến đâu thì bánh mì đến đó. Từ những tiệm bánh mì nhỏ chủ yếu cho người Pháp bên đường Catinat thì nhiều tiệm bánh mì của người Pháp, người Việt, người Hoa nhanh chóng mở ra trên đại lộ Charner.

Nếu tiệm bánh mì của ông Lương Phúc Tài gần bờ sông thì cùng phía với chợ, đoạn ra đại lộ Bonard là môt số tiệm bánh mì của người Hoa kịp thời có mặt chen lấn với các tiệm tạp hóa, xẻng cuốc…

 

Thế nhưng lừng lẫy nhất là tiệm bánh mì cuối đường, gần đại lộ Bonard (Lê Lợi) là tiệm mà chủ lẫn thợ đều là người Pháp: Louis Roux. Nơi đây, bánh mì kiểu Pháp (baguette, bánh sừng bò bơ, bánh mì tròn mềm rưới đường, mật… mà hiện nay chúng ta vẫn ăn) được ra lò ngày hai lần “mỗi bữa sớm mai và chiều đều có bánh mới sốt dẻo và bánh sừng-bò chẩy beurre (bánh mặn). Ngày chủ nhật, thứ ba và thứ năm có bánh tròn mặn, bánh bò chế mật” (quảng cáo trên báo Nông Cổ Mín Đàm).

Nông Cổ Mín Đàm năm 1901 đăng lời rao của tiệm này: Phố bánh mì thiệt thợ Langsa làm (của ông Roux). Nội Saigon có một phố hàng này mà thôi ở tại đường Charner (tục danh đường Kinh Lấp) số 125. Xin anh em chớ lộn (…) Ai muốn mua bánh đễ lâu đặng đi đường, hay là đi rừng di rú thì cũng có bán (nguyên bản quảng cáo, kể cả lỗi chính tả).

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp bánh mì cho các “cơ binh” (lính Pháp), bánh mì đã chính thức tấn công “đất hủ tíu” của người Hoa, gánh xôi buổi sáng của Việt ngay khu vực chợ Bến Thành cũ.

Cuộc tổng tấn công của “phố bánh mì” này ngày càng mở rộng: thêm chi nhánh ngay đầu đường Charner, “tiến quân” sang chợ Tân Định (gần bánh mì Như Lan trên đường Hai Bà Trưng hiện nay), tràn sang “thủ phủ hủ tíu” của người Hoa trên đường Des Marins (Trần Hưng Đạo B trong Chợ Lớn).

Thậm chí, bánh mì của tiệm còn “đổ bộ” xuống lục tỉnh Nam kỳ, bước đầu là Biên Hòa, Vũng Tàu, rồi tới các tỉnh miền Tây: Còn ở các hạt Tân-an, Bến-tre, Cái-bè, Cần-thơ, Hà-tiên, Sốc-trăng, Vĩnh-long và Sa-đéc, anh em ai muốn mua vật chi thì xin gởi thơ cho tôi, tên Roux tại Mỷtho….(nguyên văn quảng cáo).

 

Theo CÙ MAI CÔNG / Tuoitre