Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa bài hát "Mưa Rừng" (Huỳnh Anh) - Nhạc phẩm chính trong vở cải lương nổi tiếng cùng tên năm 1961 _ TYSG

   

Mưa rừng ơi! Mưa rừng.

Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên.

Phải chăng mưa buồn vì tình đời,

mưa sầu vì lòng người.

Duyên kiếp không lâu.

Trong hơn nữa thế kỉ qua, khán giả yêu nhạc vàng không ai là không quen thuộc với từng lời ca của ca khúc Mưa Rừng, một sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Nhưng có lẽ ít người biết rằng bài hát là được Hà Triều, Hoa Phượng nhờ nhạc sĩ sáng tác cho vở cải lương cùng tên của đoàn do họ đã tạo dựng và chuẩn bị “trình làng” vào năm 1961.

Bài hát là viết riêng cho cô Thanh Nga, hay nói đúng hơn là viết cho nhân vật mà cô vào vai trong vở diễn đó. Do lúc đó nhạc sĩ Huỳnh Anh đang tập ca tân nhạc cho cô nên ông mới được “nhờ” sáng tác Mưa Rừng. 

 

Nhạc sĩ Huỳnh Anh

Vậy nên, bài hát là dựa vào bối cảnh, nội dung và tâm trạng của nhân vật do cô Thanh Nga đóng trong vở tuồng cải lương Mưa rừng mà được tạo thành. Đó là một câu chuyện tình cảm, tâm lý, ly kỳ hư cấu nổi tiếng của Việt Nam viết bởi tác giả Hà Triều và Hoa Phượng (họ cũng chính là người đã nhờ nhạc sĩ viết nên bài nhạc cùng tên nổi tiếng cho đến tận ngày nay):

Chuyện là, trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga gồm: Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng,… phải ở lại qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì trời mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trỗi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Toàn bộ những điều đó đã tạo cảm hứng cho Hà Triều, Hoa Phượng viết nên “Mưa Rừng” - vở tuồng cải lương sau đó đã thành công rực rỡ (do cô Thanh Nga đóng chính và được đánh giá là sự kiện "cháy vé" lúc bấy giờ).

 

Thanh Nga vào vai sơn nữ trong vở cải lương Mưa Rừng

Câu chuyện lấy bối cảnh một đồn điền và xoay quanh những câu chuyện tình cảm của 5 nhân vật K’Lai, Khanh, Tuyền, Thuyết và Bằng.

Khanh được ông Tịnh (chủ đồn điền) thuê từ thành phố để làm cai phu, anh rất được mọi người thương mến. K’Lai (do cô Thanh Nga đóng), là một cô gái dân tộc, và cũng là người giúp việc nhà cho ông Tịnh. Cô thầm yêu Khanh nhưng anh lại yêu Tuyền - vốn là con dâu trưởng của ông tịnh, vợ của Thuyết, nhưng Thuyết lại bị điên và bị nhốt riêng trong phòng không để cho ai biết, trừ K'Lai. Em trai của Thuyết là Bằng lại đem lòng si mê K’Lai, vì biết cô thầm yêu Khanh nên hắn tìm cách đuổi Khanh đi.

Ở trong rừng, hằng đêm có những tiếng hú ghê rợn vọng về, người ta mê tín cho rằng do những người phu chết trong đồn điền. Nhưng Khanh lại không tin và đã lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra. Sau đó thì biết được tiếng hú đó là của Thuyết, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai hàng ngày đem cơm đến.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Mưa Rừng | Tân Cổ" Trình bày: Thanh Nga (thu âm trước 1975)


 

Bấm vào để nghe "Mưa Rừng | Tân Cổ" Trình bày: Thanh Nga (thu âm trước 1975)


Mời quý vị nghe lại ca khúc "Mưa Rừng | Tân Cổ" Trình bày: Trường Vũ

Bấm vào để nghe "Mưa Rừng" Trình bày: Trường Vũ

 

 

Mọi khúc mắc của câu chuyện từ đó cũng dần được hé mở, rằng Thuyết đã bắn chết cha K’Lai. Nên để trả thù, K’Lai xin vào giúp việc, sau đó dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết khiến cho anh ta điên. Vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết và nhốt anh ta vào một nơi không ai biết đến. 

Vì sự thuyết phục của Khanh sai đó K’Lai đã chữa lành bệnh điên cho Thuyết. Anh ta về và chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh thì nổi máu ghen tuông toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến kịp lúc, ông đã tự tay bắn chết con trai mình vì tưởng rằng anh ta vẫn bị điên.

Khanh và Tuyền đã rộng đường để tới với nhau, nhưng đối với K’Lai thì là sự mất mát lớn.Nhận ra mình đã bị lợi dụng cô bỏ đồn điền, từ chối luôn tình yêu với Bằng. Khanh sau đó cũng tự thấy bản thân mình hèn hạ mà bỏ đi lần nữa. Tất cả chia tay giữa tiếng Mưa Rừng tạo nên một kết thúc buồn.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng.

Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên.

Phải chăng mưa buồn vì tình đời,

mưa sầu vì lòng người.

Duyên kiếp không lâu.

Trong màn mưa, một cô gái cất cao tiếng gọi của lòng mình “Mưa rừng ơi! Mưa rừng”, trong thiết tha cô tự hỏi “hạt mưa nhớ ai mưa triền miên?” rồi trong vô thức cô tự mình trả lời “phải chăng mưa buồn vì tình đời? mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu?” và đó cũng chính là câu hỏi lớn trong lòng cô. Có lẽ, cô biết cơn mưa vốn dĩ chỉ là một lẽ tự nhiên, nhưng tại vì cơn mưa cứ thế thấm đẫm trong hồn cô, theo cô dai dẳng trong nỗi buồn, nỗi đau duyên tình đứt đoạn, như là để cùng đau, cùng buồn cho số phận hẩm hiu của cô vậy.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Mưa Rừng" Trình bày: Huỳnh Anh

Bấm vào để nghe "Mưa Rừng" Trình bày: Huỳnh Anh

 

Không biết những hạt mưa ấy là từ đâu, mà sao nó cứ rơi, cứ rơi mãi làm cho “muôn lá hoa rơi tả tơi”. Tiếng mưa cứ vang lên từng hồi không dứt, kèm theo mưa còn có tiếng “gió lạnh lùa ngoài mành” làm cho chiếc lá vàng sớm “rời lìa cành” và làm cho cả lòng người phải lay động. Cô nhìn cơn mưa, lắng nghe từng âm thanh rồi cảm thấy cuộc đời của mình cũng lạnh lẽo, cũng vô vọng như cảnh vật đang ngày một tả tơi trong cơn mưa cứ mãi không chịu dứt ngoài kia.

Mưa từ đâu mưa về?

Làm muôn lá hoa rơi tả tơi.

Tiếng mưa gió lạnh lùa ngoài mành.

Lá vàng rời lìa cành

gợi ta nỗi niềm riêng.

Những “mong ước xa xôi” ngày trước của cô giờ đây dường như cũng đã theo cơn mưa tan biến vào không gian. Cuộc đời cô vẫn cứ thế trôi qua trong những đêm dài cô đơn và hiu quạnh mà không biết “gửi tâm tư về đâu?” Còn ngoài kia, mưa vẫn cứ rơi mãi không ngừng, mưa rơi “như nhắc nhở” rằng trong lòng cô vẫn đang không nguôi nỗi nhớ về một người. Cơn mưa ấy như chính là cơn mưa rơi trong lòng cô, một lời tự sự, một nỗi đau, một nỗi buồn không bao giờ có thể dứt.

Ôi! Ta mong ước xa xôi,

nhưng đêm mãi cô đơn, gửi tâm tư về đâu?

Mưa thương ai? Mưa nhớ ai?

Mưa rơi như nhắc nhở.

Mưa rơi trong lòng tôi.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng.

Tìm đâu hỡi ơi! Bóng người xưa.

Mỗi khi mưa rừng về muộn màng,

bóng chiều vàng dần tàn

lòng thương nhớ nào nguôi.

Giờ thì tìm đâu nữa bóng dáng của người xưa, tất cả đã trôi qua chỉ để lại trong lòng cô một niềm thương và nỗi nhớ, nỗi đau và sự cô đơn. Từng ngày, từng tháng cứ tưởng rằng đã nguôi ngoai đi phần nào, nhưng “mỗi khi mưa rừng về muộn màng” nỗi lòng cô lại sống dậy trong những ký ức của ngày tháng xưa, ngày mà mộng ước tưởng chừng như đã đi đến được bến bờ của hạnh phúc, nhưng lại vỡ tan như ánh chiều ta, buồn trôi vào đêm đen tối tăm. Nhưng lòng cô, như cơn mưa rừng từng giọt rơi xuống, có lúc ngừng nhưng sẽ lại mưa, cô nhớ, một nỗi nhớ, niềm thương không thể vơi đi mãi dành cho một người…

Mưa Rừng sau đó nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 1961 và cả bộ phim được chuyển thể cùng tên sau đó một năm. Điều đó đã góp phần khẳng định tên tuổi của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Bài hát nhanh chóng được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn qua giọng hát của cô Thanh Nga (trong một buổi phỏng vấn thu hình với Nguyễn Ngọc Ngạn, trong Paris By Night 74 năm 2004, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã ngỏ ý cảm ơn và biết ơn Thanh Nga vì điều này), và về sau được nhiều danh ca trình bày lại cũng thành công không kém như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung,… trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam Việt Nam lúc đó.