Bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi
Bỏ mặc nơi đây, bỏ mặc người
Bỏ trăm năm sau, ngàn năm nữa
Bỏ mặc tôi là, tôi là ai
Những ca từ này chính là lời ca trong một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tên là “Em Đi Bỏ lại Con Đường”. Cả tựa đề lẫn lời ca đều rất dễ khiến cho người ta hình dung đến một trong những cuộc tình ngang trái của ông. Khi nghe ca khúc chính bản thân tôi cũng đã từng nghĩ đến câu chuyện đã từng được nghe về ông và một nàng Á hậu tên V.A, hai người đã sắp đi đến bến bờ hạnh phúc nhưng bỗng nhiên cô lại biệt vô âm tính. Những từ “bỏ mặc” được lặp đi lặp lại trong bài hát đã khiến cho tôi nghĩ đó là đúng. Nhưng khi tìm hiểu thì tôi mới được biết là không phải vậy. Bài hát này được viết trước bài hát Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng (bài hát này là dành riêng cho mối tình trên - và được viết vào năm 1992) hai năm.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Đó là vào đầu năm 1990, căn nhà ở số 47C Phạm Ngọc Thạch chỉ còn lại một mình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những căn phòng trống trải. Các em lần lượt rời nhà sang Canada sinh sống và mẹ ông sau đó cũng sang theo. Vì buồn bã với nỗi cô đơn thiếu vắng người thân, ông chỉ biết gửi gắm tâm sự của mình vào lời nhạc, nên Em Đi Bỏ Lại Con Đường cũng được ra đời từ đó:
Em đi bỏ lại con đườn
Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em
Ra đi, em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cô quạnh, muôn trùng nhớ thêm
Trong bài hát, ông nhân cách hóa những người thân của mình thành Em, Vì tất cả đều được gói gọn vào em nên em chính là tình thân, là tình cảm gia đình, và cũng chính là tình yêu. Vì những tình cảm đó đều da diết, đều sâu nặng, đều in sâu vào máu thịt nên tác giả sử dụng hầu hết toàn bài hai từ “bỏ mặc” như là một lời hờn trách vu vơ khi đang chới với trong sự cô đơn nơi cõi lòng.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Em Đi Bỏ Lại Con Đường" Trình bày: Trịnh Công Sơn hát
Bấm vào để nghe "Em Đi Bỏ Lại Cong Đường" Trịnh Công Sơn hát
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Em Đi Bỏ Lại Con Đường" Trình bày: Khánh Ly
Bấm vào để nghe "Em Đi Bỏ Lại Cong Đường" Trình bày: Khánh Ly
Em bỏ mặc tất cả mọi thứ, “bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi”, “bỏ mặc nơi đây, bỏ mặc người”. Bỏ mặc những gì quen thuộc nhất và ra đi, ra đi mà không hẹn ngày trở về, để cho tôi cứ ngày đêm phải trông ngóng, chờ đợi. Và chờ cho đến khi quên mất rằng “tôi là ai”. Mà dù cho có không nhớ được mình là ai, thì trong bất giác tôi vẫn “vô thường nhớ em”. Nỗi nhớ bao trùm cả những con đường thân quen ngày xưa, nét buồn còn vương lên cả ngàn dâu làm cho tôi vốn đã nhớ nhung lại càng “muôn trùng nhớ thêm”.
Bỏ mặc đêm dài, bỏ mặc tôi
Bỏ mặc gian nan, bỏ mặc người
Bỏ xa xôi yêu và gần gũi
Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui
Bỏ mặc mưa về, bỏ chiều phai
Bỏ mặc hư vô, bỏ ngậm ngùi
Bỏ đêm chưa qua, ngày chưa tới
Bỏ mặc tay buồn không bàn tay
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Em Đi Bỏ Lại Con Đường" Trình bày: Elvis Phương
Bấm vào để nghe "Em Đi Bỏ Lại Con Đường" Trình bày: Elvis Phương
Nhưng cho dù vậy thì em vẫn không trở về, em vẫn lạnh lùng như thế bỏ mặc đêm dài và cả gian nan, bỏ mặc cả tình yêu và sự gần gũi. Và trong lúc tôi đang vui nhất thì em cũng “bỏ mặc tôi”. Vì em bỏ tôi lại nên những ngày mưa, ngày nắng, những hư vô và cả ngậm ngùi tôi cũng đành phải một mình trải qua khi không có em bên cạnh. Và vì em đã “bỏ đêm chưa qua, ngày chưa tới” nên cũng bỏ luôn bàn tay tôi buồn vì thiếu bàn tay em
Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em
Ra đi, em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cô quạnh, muôn trùng nhớ thêm
Bỏ mặc vui buồn, bỏ mặc ai
Bỏ mặc chân không, bỏ mặc người
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi
Sự cô đơn và lẻ loi hiện ra như một bức tranh cuộc đời u buồn của tôi. Là tại vì em, vì em đã bỏ mặc một mình tôi, nên tôi phải tự vui, tự buồn, tự gặm nhấm sự hoang vu nơi cõi lòng cô đơn và tự tìm kiếm một người bạn nơi cuộc đời đơn độc của chính mình. Tôi phải học cách chấp nhận điều này thôi, vì em ra đi đâu có hẹn ngày về, và không biết có còn nhớ đến tôi hay không?
Mọi người có cảm nhận được không? Có thấm thía được nỗi buồn, và sự cô đơn khi thiếu vắng những người thân yêu nhất trong cuộc đời mình không? Những điều này nếu như ai đã từng trải qua thì sẽ càng thấm hơn từng lời nhạc, từng ca từ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã truyền tải.
Ca sĩ Khánh Ly chính là linh hồn trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. phải nói thế vì cô thể hiện ca khúc nào của ông cũng cực kì tròn trịa, cực kì cảm xúc. Và cả ông cũng vậy, người nhạc sĩ tự hát nhạc của mình hay nhất có lẽ phải kể đến ông. Và bài hát này còn đặc biệt hơn khi có bản song ca của cả hai người được mệnh danh là như hình với bóng này.