Thao thức tiếng "Xích lô máy" - một ký ức đẹp của Sài Gòn xưa trước năm 1975 _ TYSG

   

Trước năm 1975, tụi con nít Sài Gòn rất thích đi xe xích lô máy, một phần vì lạ, phần nữa là ngồi xe xích lô máy có chút mạo hiểm, hồi hộp và cả phấn khích.

Tôi nhớ lúc nhỏ, mỗi lần cả nhà có dịp đi đâu đó, tôi hay đòi má cho đi xích lô máy. Gia đình đông bốn năm người, con nít thì ngồi dưới sàn xe, người lớn ngồi trên nệm như ghế salon, xe chạy vù vù, cả nhà đưa mặt ra hứng gió, tai nghe tiếng pô xe nổ phình – phịch – bình – bình sướng rân.

 

Biến tấu của chiếc xe 3 bánh Peugeot

Được sản xuất vào năm 1939 dựa trên kiểu xe mô-tô Peugeot 100cc Type 53, vì nhu cầu vận chuyển hàng hoá vào những con đường phố cổ chật hẹp mà xe ô-tô vận tải khó lưu thông và khối lương hàng hoá tương đối nhỏ, không cần đến những phương tiện vận tải lớn.

Kiểu xe 3 bánh Triporteur Peugeot đầu tiên là kiểu 53 TN, vay mượn cổ máy 100cc 2-thì của xe Type 53 cùng nhiều cơ phận khác của xe nầy ngoại trừ bộ khung xe khác biệt. Động cơ được thiết kế đằng sau thùng chở hàng nên ngăn cản không khí làm mát máy, do đó trên cổ máy được thiết kế thêm một quạt máy nằm bên cạnh. Với sức mạnh 4 mã lực, hộp số gồm 3 số với cần sang số bên cạnh bình xăng, xe 3 bánh có thể chở 100 kilô hàng hoá với tốc độ tối đa 45 Km/giờ.

 

Tại Việt Nam sau khi quân đội Hoàng Gia Nhật Bản thua trận phải đầu hàng và rút về nước năm 1945, ở Sài Gòn quân đội Anh Quốc đến tiếp quản rồi giao lại cho chính quyền thuộc địa Pháp. Nhu cầu vận tải hàng hoá rất cần thiết nên đã nhập cảng những phương tiện chuyên chở mà chiếc xe 3 bánh Triporteur Peugeot đã được đưa vào Sài Gòn. Là loại xe được chế tác lại từ kiểu xe nguyên thủy mới nhất của xe Triporteur Peugeot hai thì chạy bằng xăng pha nhớt, sản xuất tại Pháp. Loại xe này nguyên là xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng nông thôn đến các chợ hoặc siêu thị bên Pháp. Hình dáng của nó gần giống xe ba gác máy chở hàng. Dàn phía sau là của xe Triporteur, còn dàn phía trước rập khuôn xích lô đạp nên gọi là xích lô máy.

Cảnh phố khuya thanh vắng tiếng xe xích lô máy vang lên. Một bà bầu nào đó, một đứa trẻ hoặc người già trở bệnh đang trên đường với xe xích lô máy. Tiếng xe xích lô máy nổ như tiếng ồm ồm của một người đàn ông thân thiện.

Thời đó, mỗi góc chúng cư, mỗi ngõ hẻm, bệnh viện, bến xe đều có những bác ba, chú tư, anh hai xích lô máy túc trực; những bác tài xích lô máy đáng được tôn trọng như một biểu tượng về sự an toàn và sự kịp thời trong những tình huống cần kíp của người Sài Gòn.

Người chạy xe xích lô máy thời đó rất cao bồi và tất nhiên được trọng nể hơn người chạy xe xích lô đạp, bởi vì sở hữu được một chiếc xe xích lô máy khoảng gần chục lượng vàng là coi như có một gia tài khấm khá. Thành ra bác tài chạy xe xích lô máy đội nón nỉ, nón cối, đeo kính mát, trông lúc nào cũng phong độ.

Ngày xưa xe xích lô máy có bến riêng hẳn hoi. Người ta còn nhớ ở cầu Hậu Giang, ở khu Bà Chiểu… có những hãng chuyên cho thuê xe xích lô máy.

Lui vào quên lãng

Từ giữa thập niên 1960, khi xe Lam (Lambro) du nhập vào Sài Gòn, xe xích lô máy bị cạnh tranh dữ dội. Xe Lam chở nhiều khách, rẻ tiền và nhiều hàng hóa trên mui khiến cho nghề xích lô máy dần sa sút sau năm 1975 do khan hiếm xăng dầu. Và đến năm 1985 thì xích lô máy – đặc trưng của một thời Sài Gòn hoa lệ này – biến mất.

Ngày nay xích lô máy coi như đã chết hẳn. Có lần tôi phát hiện mấy chiếc xe xích lô máy tan nát còn đậu chở hàng ở bến chợ Kim Biên mà trong lòng thấy ngậm ngùi quá.

Trước hoàn cảnh đất nước đang trên đà phát triển hiện nay; thôi thì níu kéo làm gì cuộc mưu sinh vất vả trên đường phố của những chiếc xe xích lô máy nữa.

Nhưng đã là người Sài Gòn làm sao mà không nhớ hình ảnh của chiếc xe xích lô máy cho được. Làm sao mà không nghe vang lên trong ký ức tiếng xích lô máy thao thức mỗi đêm.