Tìm hiểu về "Cột cờ Thủ Ngữ" - Cột cờ đầu tiên của Sài Gòn với hơn 150 năm tuổi _TYSG

   

Nhắc đến Sài Gòn xưa sẽ thật sự thiếu sót nếu người ta không nói đến cây cột cờ đầu tiên của cả thành phố. Sài Gòn 300 năm tuổi thì cột cờ này đã có tới 150 năm xuyên xuốt cùng chiều dài thời gian.

Được người Pháp dựng lên để đón những chiếc tàu sắt hiện đại đến Sài Gòn, cột cờ Thủ Ngữ hiện còn tồn tại. Cột cờ Thủ Ngữ là một công trình nằm tại đường Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM. Cột cờ được người Pháp xây dựng vào tháng 10 năm 1865 trên nền cũ của dinh quan thủ ngự chuyên chăm lo thương chính của nhà Nguyễn. Năm 2016, cột cờ Thủ Ngữ được thành phố xếp hạng là di tích lịch sử cấp TP.HCM.

Cột cờ hơn 150 năm ở Sài Gòn

Cùng với việc xây dựng xưởng đóng tàu Ba Son, Bến Nhà Rồng, người Pháp cho dựng cột cờ này vào năm 1865. Công trình cao 30 m, treo cờ hiệu đón tàu thuyền ra vào cảng Nhà Rồng – nơi giao giữa sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé.

Cột cờ Thủ Ngữ có tên tiếng Pháp là Mât des Signaus có nghĩa là Cột tín hiệu. Được xây trên nền cũ của dinh quan thủ ngự chuyên chăm lo giao thương của nhà Nguyễn.

“Thủ ngữ” nghĩa là nơi canh tuần tàu biển, là một phần của cảng Sài Gòn, có chức năng gắn liền việc điều hành, kiểm soát những chuyến tàu ra vào

Theo chữ Hán Việt là Thủ Ngữ, có nghĩa trao đổi tín hiệu giữa người trên bờ với người dưới tàu thuyền, giống như hai tàu thuyền trao đổi tín hiệu lúc gặp nhau. Cột cờ này giống cột cờ trên tàu thuyền, luôn phất phới trước gió như gọi chào những ai mới lần đầu đặt chân tới vùng đất Gia Định- Bến Nghé.

Từ khi xây dựng đến nay đã gần 150 năm, Cột cờ Thủ Ngữ đã là “nhân chứng” của biết bao biến cố lịch sử thành phố trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nói về Cột cờ Thủ Ngữ chắc chắn chúng ta sẽ mãi không thể quên được một huyền thoại. Huyền thoại về những người lính tự vệ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ thành phố trước súng đạn của người Anh.

Cột cờ Thủ Ngữ bên cạnh bến nhà Rồng

Hợp với Bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ thành công trình đồ sộ, nổi bật nơi ngã ba sông vốn còn hoang vu, rợp bóng cây thuở đó.

Cột Cờ Thủ Ngữ ngày nay

Cột cờ gồm ba tầng, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây ngôi nhà bao quanh chân cột. Gian chính giữa cao hơn, có phần mái hình bát giác giống kiến trúc thành Gia Định xưa. Cây cột sắt được níu bằng nhiều sợi cáp thép lớn. Qua thời gian, sợi nào hư hỏng sẽ được thay thế.

Cột Cờ Thủ Ngữ ngày nay

Trong giai đoạn 1890 – 1910, cột cờ được dựng lại bằng sắt, cao 35m và bổ sung thêm sàn đứng kéo cờ. Cầu tàu trước cột cờ được mở rộng. Khu vực gần Cột cờ có thêm một số công trình phục vụ cho chức năng bến cảng như tòa nhà kiểm tra thuế quan và nhà kho. Một số công trình lớn và quan trọng của khu vực được hình thành ở khu vực xung quanh Cột cờ, tiêu biểu là bến cảng Nhà Rồng và trụ sở Cục Hải Quan ngày nay.

Trong những năm 1920, một công trình hình bát giác một tầng có mái dốc được xây dựng dưới chân cột cờ. Cầu tàu trước Cột cờ được mở rộng. Khu vực trước Cột cờ có một quầy bán hàng giải khát tên tiếng Pháp là La Pointe des Blagueurs, dịch ra có nghĩa là Mũi Tán dóc.

Vào những năm 1930, kiến trúc cột cờ không có sự thay đổi lớn. Các nhà kho, quầy bán hàng và công trình xung quanh được tháo dỡ để xây dựng một công viên dọc bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Đến những năm 1940, cột cờ được xây dựng lại với hình thức kiến trúc có sự thay đổi.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập chưa đầy một tháng, tại miền Nam đã xảy ra cuộc giao chiến giữa người Việt với người Anh tại cột cờ Thủ Ngữ. Quân Anh với trang bị hiện đại đã đánh thắng người Việt và giành quyền treo cờ lên cột cờ Thủ Ngữ.

Trong thập niên 1950 – 1960, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, công trình đã mất đi vai trò như một cột tín hiệu. Khối công trình dưới chân Cột cờ được sử dụng làm nhà hàng có tên “Ngân Đình Tửu Quán”.

Từ năm 1975 – 2000, công trình trải qua một số lần cải tạo và bỏ phần mở rộng được xây dựng từ những năm 1960.

Chân cột cờ Thủ Ngữ ngày nay

Về chức năng của cột cờ Thủ Ngữ, trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển mô tả: “Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo án ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ. Những tín hiệu này báo tin cho tàu bè biết để tránh chỗ hiểm nguy, va vào nhau trong lúc vào ra sông Sài Gòn”.

Hơn 150 năm trước, việc tàu thuyền sắt chạy bằng máy móc của phương Tây ra vào đất Sài Gòn là điều lạ, bởi phần đông dân chúng đi bộ hoặc xe ngựa. Những chiếc tàu thủy cùng cột cờ kiểm soát hiện đại đánh dấu bước phát triển mới của vùng đất, tạo bước chuyển biến để sau này đưa Sài Gòn thành đô thị, nơi giao lưu với thế giới.

Cột cờ cũng ghi dấu ấn lịch sử khi một tiểu đội của chính quyền cách mạng non trẻ với trang bị vũ khí thô sơ đã chống lại đại đội quân Anh vào ngày 23/9/1945. Họ chiến đấu và hy sinh đến người cuối cùng ngay dưới chân cột cờ để bảo vệ chủ quyền đất nước mới được tái lập nhưng bất thành.

Công trình này gắn liền với Bến cảng Nhà Rồng, nơi chứng kiến cảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc lên tàu tìm đường cứu nước cách đây hơn 100 năm.

Cột cờ Thủ Ngữ nhìn từ phía xa

Ngày nay, chức năng nguyên thủy của cột cờ Thủ Ngữ không còn nhưng chính quyền TP HCM vẫn lưu giữ như một giá trị văn hóa, chứng nhân của 150 năm phát triển thành phố.

Ngoài ra, nó cũng hợp với các công trình như tượng Trần Hưng Đạo (vòng xoay Công trường Mê Linh), cầu Mống, Ngân hàng Nhà nước, khu di tích Ba Son… tạo thành quần thể di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu, chứng nhân của quá trình phát triển cảng thị ở vùng trung tâm Sài Gòn.

Tháng 5/2016, cột cờ Thủ Ngữ được UBND TP HCM xếp hạng di tích lịch sử. Thành phố cũng có chủ trương chỉnh trang công viên cảng Bạch Đằng, kết hợp những cây cầu nối trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngày nay, bên cạnh những công trình mới, mang nét tiêu biểu đại diện cho hình ảnh trẻ trung và đầy năng động của thành phố thì Cột cờ Thủ Ngữ vẫn mang trong mình một dấu ấn rất riêng và đặc biệt. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió như tượng trưng cho sức trẻ của một thành phố đang phát triển, khao khát trỗi dậy mỗi ngày.

Tại đây, nhiều hoạt động giải trí, văn hóa sẽ được triển khai để bảo tồn, lưu giữ những giá trị góp phần tạo nên thành phố lớn nhất nước.